II) CÁC GIỚI LUẬT

 

 

76-  Chúng ta tiến đến cùng đích đời đời của chúng ta bằng việc giữ các giới luật: gồm có các giới luật về thần đức, các giới luật Chúa (Mười Điều Răn Chúa) và các luật Giáo Hội (Sáu Điều Răn Hội Thánh).

 

 

GIỚI LUẬT VỀ THẦN ĐỨC

 

 

Giới Luật Về Đức Tin

 

77-  Đức Tin là một nhân đức siêu nhiên, nhờ ân sủng thần linh, giúp cho chúng ta vững vàng tin tưởng vào tất cả những gì Thiên Chúa mạc khải là chân thực, căn cứ vào chính uy tín của Ngài.

 

78-  Theo phương tiện đòi hỏi (necessitate medii), mọi người đến tuổi biết sử dụng trí khôn phải nhận biết và tin tưởng có một Thiên Chúa, Đấng thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ. Người ta hầu như cũng phải nhận biết và tin tưởng vào Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như vào việc Nhập Thể.

 

79-  Theo chỉ thị đòi hỏi (necessitate praecepti), buộc phải tin tưởng và chấp nhận: Kinh Tin Kính Các Tông Đồ, Kinh Lạy Cha, Mười Điều Răn Chúa, Các Điều Răn Hội Thánh và các Bí Tích cần (là Rửa Tội, Giải Tội và Thánh Thể) cùng với các Bí Tích khác nếu muốn lãnh nhận hay cần phải lãnh nhận.

 

80-  Lề luật thần linh buộc người ta phải công khai tuyên xưng đức tin của mình trong những trường hợp mà nếu không tuyên xưng hay tránh né tuyên xưng sẽ bị coi như chối bỏ đức tin, khinh đạo, làm nhục Thiên Chúa hay gây gương mù cho kẻ khác.

 

81-  Luật tích cực (positive law) của Giáo Hội cũng đòi phải tuyên xưng ở vào một số trường hợp (như trước khi các cha giải tội và các vị giảng dạy về đức tin nhận năng quyền thừa hành; trước khi người lớn dự tòng lãnh nhận bí tích rửa tội; và trước khi các Kitô hữu rối đạo hay lạc đạo chính thức được tái thông công với Giáo Hội Công Giáo).

 

82-  Không bao giờ được trực tiếp (bằng lời nói, dấu hiệu hay hành động tự chúng có bản chất chối bỏ đức tin chân thật hoặc tuyên xưng đức tin sai lạc) hay gián tiếp chối bỏ đức tin (bằng hành động mang tính cách chối bỏ hoặc tránh né tuyên xưng đức tin chân thật trong một hoàn cảnh nào đó). Tuy nhiên, nếu cần giấu chân tướng của mình để tránh tai họa (mà không làm dấu Thánh Giá trước khi ăn chẳng hạn) thì không phải là chối bỏ đức tin.

 

83-  Bất trung thành (infidelity) với đức tin của mình là hành động thiếu đức tin nơi một người đã lãnh nhận bí tích rửa tội. Bất trung thành với đức tin của mình một cách lỗi lầm vì coi thường việc học hỏi để thực sự hiểu biết về đức tin chân chính của mình thì phạm tội nhẹ hay trọng tùy theo mức độ coi thường của họ. Bao lâu không hồ nghi gì về đạo của mình thì không buộc ngặt phải tìm hiểu thêm.

 

84-  Chối đạo (apostasy) là chối bỏ đức tin chân thật của mình, như trong trường hợp chối bỏ một tín điều trong đạo, chẳng hạn tín điều Thiên Tính của Chúa Kitô.

 

85-  Lạc đạo (heresy) là phán đoán sai lầm đến cố chấp chối bỏ hay nghi ngờ một sự thật Thiên Chúa mạc khải đã được Giáo Hội định tín. Tuy nhiên, không phải chính cống lạc đạo (formal heretic) nếu không biết sự thật Thiên Chúa mạc khải bị cố chấp chối bỏ đó đã được Giáo Hội định tín. Lạc đạo song không lãnh án theo luật Giáo Hội (canonical penalties) khi nhất định chối bỏ một sự thật vì sai lầm cho rằng không phải do Thiên Chúa mạc khải và đã được Giáo Hội định tín, hoặc chỉ chối trong lòng song không tỏ ra bề ngoài. Vì lạc đạo liên quan đến phán đoán sai lạc, nên trường hợp giả vờ chối đạo một cách công khai thì chỉ mắc trọng tội, chứ không phải là lạc đạo và phải lãnh án theo luật Giáo Hội. Vì lạc đạo cũng liên quan đến mạc khải thần linh, nên cũng chỉ mắc tội nặng chứ  không phải là lạc đạo nếu cố chấp chối bỏ một sự thật không do Thiên Chúa mạc khải dù được Giáo Hội định tín, hay cũng chỉ mắc tội bất tuân Giáo Hội nếu tuyên xưng một sự thật đã bị Giáo Hội bác bỏ song không bằng quyền linh vô ngộ của mình.

 

86-  Ly giáo (schism) thường liên quan đến lạc đạo, nên  những gì áp dụng cho lạc đạo cũng áp dụng cho ly giáo, ngoài ra, ly giáo không phải là tội phản lại đức tin mà chỉ là tội nghịch đức ái và đức tuân phục thôi.

 

87-  Tham dự vào việc phụng tự ngoài Công Giáo hoàn toàn bị cấm nếu chủ động, nhưng được phép nếu thụ động với lý do chính đáng cùng không gây gương mù hay nguy hại đến đức tin của mình. Người ngoài Công Giáo tham dự vào việc phụng tự Công Giáo được phép nếu thụ động, nhưng bị cấm nếu chủ động khi gây ra ấn tượng như không còn khác biệt gì giữa đức tin Công Giáo với ngoài Công Giáo hay làm cho việc phụng tự Công Giáo bị coi thường hơn.